Ngày 23 và 24 tháng 4 năm 2022 vừa qua, Hội thảo khoa học quốc tế “Kinh học Nho gia ở Việt Nam và Đông Á: Di sản và giá trị” được tổ chức dưới hình thức trực tuyến kết hợp trực tiếp tại Hà Nội. Hội thảo do Trường Đại học Sư phạm Quảng Tây, Trung Quốc và Công ty TNHH Tập đoàn Nhà xuất bản Trường Đại học Sư phạm Quảng Tây, Trung Quốc chủ trì, Viện Triết học - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp với Viện Khổng Tử tại Trường Đại học Hà Nội tổ chức. Hội thảo đã diễn ra với sự tham gia của hơn 20 chuyên gia và học giả đến từ Trung Quốc, Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia. Trong các phiên thảo luận, các chuyên gia đã giao lưu và trao đổi sâu sắc về chủ đề “Đối thoại nghiên cứu Kinh học Nho gia giữa Việt Nam và Đông Á cùng với sự phát triển của xã hội hiện đại” cũng như chia sẻ về thành quả nghiên cứu của mình, từ đó Ban tổ chức đã chọn ra 16 tham luận để xuất bản Kỷ yếu Hội thảo.
Trong bài phát biểu mở đầu, ông Bành Thế Đoàn - Tham tán Văn hóa Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam nhấn mạnh trong suốt chiều dài lịch sử, Kinh học Nho gia đã ảnh hưởng sâu sắc đến Việt Nam và các nước Đông Á ngày nay, không chỉ tác động đến tâm lý, thẩm mỹ, giá trị của con người, gia đình và xã hội, mà còn ảnh hưởng đến cấu trúc chính trị và định hướng quản lý của mỗi quốc gia. Hiện nay, Kinh học Nho gia trở thành di sản văn hóa, có giá trị không thể thay thế trong lĩnh vực nghiên cứu về chính Kinh học Nho gia, về quá khứ - hiện tại - tương lai và vấn đề nâng cao sự tự tin văn hóa của mỗi quốc gia, cũng như gia tăng hiểu biết lẫn nhau và hợp tác giữa các nước. Mong rằng các vị chuyên gia có thể tiếp nhận từ các thành quả nghiên cứu để hoàn thành công tác tốt hơn, đồng thời thúc đẩy, giao lưu về con người và hợp tác giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc.
Ông Tô Quế Phát - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Quảng Tây khẳng định, các cuộc thảo luận chuyên sâu của các chuyên gia chắc chắn góp phần thúc đẩy sự đổi mới và phát triển bền vững của nghiên cứu Kinh học Nho gia ở Việt Nam và Đông Á, phát huy sự kế thừa và đổi mới văn hóa truyền thống, đóng góp thêm trí tuệ và sức lực cho sự phát triển của xã hội hiện đại.
PGS.TS. Nguyễn Tài Đông, Viện trưởng Viện Triết học Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng Kinh học Nho gia có giá trị lâu dài, ngày nay việc nghiên cứu triết học Nho gia không thể không gắn liền với Kinh học, từ góc độ Thông diễn học và Lịch sử Triết học có thể phát hiện ra rằng Kinh học Nho gia có rất nhiều nội dung phong phú cần nghiên cứu.
Trả lời phỏng vấn, Phó Viện trưởng Viện Khổng Tử tại Trường Đại học Hà Nội cho biết, các học giả không những tích cực tham gia buổi hội thảo mà họ còn có nhiều thành quả nghiên cứu có trình độ học thuật cao, các bài viết rất sâu sắc và sáng tạo, thể hiện tầm hiểu biết và kinh nghiệm nghiên cứu quý báu của người viết. Trong tương lai, Viện Khổng Tử tại Trường Đại học Hà Nội sẽ tiếp tục tạo thêm nhiều cơ hội giao lưu văn hoá, giáo dục giữa Trung Quốc và nước ngoài bằng nhiều hình thức, từ đó thúc đẩy giao lưu, học hỏi lẫn nhau giữa các nền văn minh Trung Quốc và nước ngoài.